Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Đình Thực, Phó Trưởng Ban tiếp công dân Thành phố cho biết: Công tác tiếp công dân là một trong những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Công tác tiếp công dân cũng là bước đầu của giải quyết khiếu nại, tố cáo.
TS. Phạm Đình Thực, Phó Trưởng Ban tiếp công dân Thành phố phát biểu
Trước thực tế, số lượng và lịch tiếp công dân ngày càng tăng trong khi yêu cầu thời gian gấp, các cơ quan chức năng chưa thể bố trí lịch đáp ứng được nhu cầu, để nâng cao chất lượng tiếp công dân, tăng cường ứng dụng CNTT, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thấy được sự cần thiết phải tổ chức tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến.
Việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến sẽ giúp giải quyết những tình huống phát sinh phức tạp trong việc tiếp công dân như tình trạng tập trung đông người khiếu nại, tố cáo; giảm tình trạng quá tải tại phòng chờ Trụ sở Tiếp công dân Thành phố.
Không những thế, hoạt động tiếp công dân trực tuyến phù hợp mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Ngoài ra, hoạt động này phù hợp với bối cảnh xây dựng chính quyền điện tử hiện nay của thành phố Hà Nội. Việc tiếp công dân trực tuyến cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo…; giảm thiểu tình trạng tập trung đông người, gây mất trật tự tại Trụ sở cơ quan Nhà nước.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Chí Mì, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lưu ý cần lãm rõ thực tiễn đổi mới, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của công tác tiếp công dân trực tuyến.
TS. Tăng Thị Thiệm, Thanh tra Chính phủ đồng tình với ý kiến của GS.TS Nguyễn Chí Mì và bổ sung cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Thọ… và Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, cần làm rõ trong điều kiện hiện nay (cơ sở vật chất, đường truyền) có đáp ứng được mô hình này không. Ngoài ra, cần tính đến quan điểm của lãnh đạo trong công tác tiếp công dân, tính bảo mật thông tin của người tố cáo…
Đồng chí Phạm Thế Sự, Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân Trung ương phát biểu
Đồng chí Phạm Thế Sự, Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết: Đến nay, các cơ sở pháp lý cho việc tiếp công dân trực tuyến đã đầy đủ. Khó khăn nhất trong tiếp công dân trực tuyến là yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi tính đồng bộ, tương thích giữa các điểm cầu. Hiện nay, đã có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai tiếp công dân trực tuyến. Qua khảo sát cho thấy, việc áp dụng mô hình thí điểm thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân, các cơ quan nhà nước về thời gian, chi phí tiếp công dân. Từ đó, thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận liên quan đến tiếp công dân theo hướng gắn bó và hiệu quả hơn. Đặc biệt, số vụ, lượt tiếp và số người được tiếp tăng lên. Các đơn vị, địa phương áp dụng mô hình này đều khẳng định tính hiệu quả của mô hình mới này. Không chỉ được đánh giá tích cực ở các địa phương đã áp dụng, mà qua trao đổi tại cấp xã, cấp huyện cũng cho thấy việc tiếp trực tuyến tạo thuận tiện cho cả đội ngũ cán bộ và người dân trong vấn đề sắp xếp thời gian, đi lại nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, khoảng cách địa lý lớn.
TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố phát biểu
TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố nhấn mạnh đến yêu cầu tính cụ thể, thực tiễn của mô hình tiếp công dân trực tuyến. Đặc biệt phải trình bày rõ cách thức triển khai. Cho rằng đây là vấn đề rất mới, nên Hà Nội phải làm rõ các cơ sở pháp lý, cách thức triển khai để thuyết phục Thành phố và đóng góp cho Trung ương.
Theo đồng chí, phải nắm chắc được bản chất, "hồn cốt" của khái niệm công tác tiếp công dân trực tiếp để từ đó, mở rộng ra tiếp công dân trực tuyến. Đồng thời, phải khẳng định đây là xu thế thời đại chung. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để triển khai còn thiếu, chưa được luật hóa, do vậy việc triển khai ở Hà Nội sẽ giúp tổng hợp thực tiễn, đóng góp cho Trung ương.
Ngoài ra, TS. Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh phải tính đến những mặt trái sẽ phát sinh khi thực hiện tiếp công dân trực tuyến để bổ sung vào Đề án.
TS.Trần Văn Sơn, Hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ phát biểu
TS. Trần Văn Sơn, Hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ cho rằng Đề án có tính thực tiễn cao. Để có thể triển khai được ngay cần phải nghiên cứu kỹ về khái niệm tiếp công dân và cơ sở pháp lý. Đồng chí cũng đề xuất nghiên cứu thêm việc tiếp dân đối với những trường hợp tố cáo, địa điểm tiếp dân.
Theo TS. Trần Văn Sơn, Hà Nội đã triển khai ứng dụng iHanoi có hiệu quả rất tốt. Cùng với các ứng dụng trên iHanoi, việc tiếp công dân trực tuyến sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai minh mạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân giữa các cơ quan nhà nước; tăng tính hiệu quả tiếp công dân; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Để triển khai thực hiện, theo đồng chí cần tăng cường tuyên truyền cho người dân thấy được tính ưu việt của việc tiếp công dân trực tuyến, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tiếp dân.
Đồng chí cũng đề xuất kiến nghị Thành ủy, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo về vấn đề này, hoàn thiện các văn bản quy phạm của Thành phố về công tác tiếp công dân trực tuyến; hoàn thiện sớm cơ sở dữ liệu tiếp công dân; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan; quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin...
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phạm Đình Thực, Phó Trưởng Ban tiếp công dân Thành phố cảm ơn 12 đại biểu với 78 ý kiến đóng góp rất phong phú, sâu sắc về cả cơ sở lý luận và thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai tiếp công dân trực tuyến. Đặc biệt, những gợi ý, gợi mở để hoàn thiện mô hình. Đồng thời, một số đại diện từ cơ sở cũng nêu thực trạng công tác tiếp dân tại đơn vị và đề đạt các nội dung, nguyện vọng trong công tác tiếp dân.
Trân trọng cảm ơn các đại biểu, đồng chí Phạm Đình Thực khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến để bổ sung, hoàn thiện mô hình.
Hàng năm, các cơ quan của thành phố Hà Nội đã tiếp và hướng dẫn hàng chục nghìn lượt người và hàng trăm lượt đoàn công dân tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, nhiều công dân gặp vấn đề về việc đến địa điểm tiếp công dân như: Ở các địa bàn xa trung tâm như Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn… không bố trí được thời gian, do sức khỏe, tuổi tác, điều kiện đi lại.