Người dân đến giải quyết Thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa Sở Nội vụ Hà Nội
Thành phố Hà Nội xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến đồng bộ, thực chất trên các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI; Chỉ số PAR Index của thành phố năm 2025, với 7 nội dung thực hiện:
1. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đượcUBND Thành phố giao tại Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch cải thiện Chỉ số SIPAS giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch (kế hoạch điều chỉnh) CCHC năm 2025. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trực tiếp góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố (PAR INDEX, SIPAS, PAPI), khắc phục các tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp điểm.
2. Tiếp tục đổi mới phương pháp đánh giá, đo lường các chỉ số tương đồng với phương pháp của Bộ Nội vụ và các cơ quan, tổ chức; nâng cao tính chính xác trong công tác đo lường, đánh giá và tính dự báo để chủ động khắc phục, cải thiện các Chỉ số của Thành phố.
3. Nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác CCHC Thành phố. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu CCHC phục vụ công tác tham mưu trong công tác CCHC.
4. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác CCHC. Xác định rõ người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố trong công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
5. Tập trung triển khai nội dung đánh giá hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện) và việc thành lập, tổ chức lại các Sở, cơ quan tương đương Sở theo Nghị quyết số 06/NQHĐND ngày 25/02/2025 của HĐND Thành phố: Xây dựng quy trình, quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức; tình hình, kết quả sử dụng biên chế; bố trí công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế; chế độ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ sau sắp xếp; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá, phân loại công chức, viên chức; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.
6. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CCHC sau khi Thành phố tổ chức chính quyền 2 cấp theo chỉ đạo của Trung ương, trong đó, tập trung tập huấn các nội dung về SIPAS, PAR INDEX, PAPI, DTI; đối tượng tập huấn tập trung là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC, công chức tham gia giải quyết hồ sơ hành chính, công chức công nghệ thông tin…
7. Triển khai thực hiện nghiêm túc kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính nhằm rút ngắn thời gian xử lý, đảm bảo không chậm trễ, không quá hạn.
Ngoài ra, theo kế hoạch thành phố Hà Nội cũng đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm, tiến độ và trách nhiệm thực hiện. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu năm 2025, Chỉ số PAR Index đạt 96,59 điểm; Chỉ số SIPAS đạt 88,00 điểm; Chỉ số PAPI đạt 46,20 điểm.
Bên cạnh đó, Kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể đến sở, ban, ngành, xã, phường triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao các chỉ số.
Trong đó, phân công chi tiết đến từng đơn vị thuộc TP, tập trung thực hiện 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2025.
Thứ nhất, Chỉ số CCHC gồm: công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; CCHC; cải cách bộ máy hành chính; cải cách công vụ, công chức; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Thứ hai, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính (TTHC) công; cung ứng dịch vụ công (DVC); quản trị môi trường; quản trị điện tử;
Thứ ba, Chỉ số Hài lòng gồm: xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; cung ứng DVC.
Song song đó, Kế hoạch đặt ra 95 chỉ tiêu cần cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC, các nội chỉ tiêu cần cải thiện ở các nhóm: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; CCHC; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử; chính quyền số; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng thời, 9 chỉ tiêu cần cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng, cụ thể các nhóm: Chỉ số hài lòng chung gồm xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; việc cung ứng dịch vụ hành chính công.
28 chỉ tiêu cần cải thiện, nâng cao tại Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh, cụ thể ở các nhóm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; cung ứng DVC; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
UBND TP giao các sở, ban, ngành và UBND cấp xã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ, đồng thời báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện; giải trình và chịu trách nhiệm trước UBND TP, Chủ tịch UBND TP về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công theo Kế hoạch nếu không đạt chỉ tiêu đề ra, làm giảm điểm số các nội dung, tiêu chí trong các chỉ số.
Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tự đánh giá, chấm điểm, tổng hợp tài liệu kiểm chứng trong công tác chấm điểm Chỉ số PAR INDEX làm đầu mối, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP); phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Văn phòng UBND TP, Đài Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với công tác CCHC.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp UBND cấp xã trong tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chỉ số và trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ.