Cải cách tổ chức bộ máy là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và chất lượng phục vụ của nền hành chính công. Trong thời gian gần đây, Hà Nội đang tích cực triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh - xã), theo tinh thần Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về "tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".
Việc thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện (quận), vốn là cấp trung gian trong hệ thống hành chính đã tạo ra những chuyển biến căn bản trong cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, phương thức điều hành và cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền ở Hà Nội. Cấp xã (phường) từ chỗ là đơn vị hành chính cơ sở nay được trao quyền và giao nhiệm vụ thực hiện nhiều chức năng trước đây thuộc cấp quận, do đó khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, đòi hỏi một sự "nâng tầm" cả về tổ chức bộ máy lẫn năng lực quản trị công.
"Tiếp cận mới" trong đánh giá hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy không chỉ là điều chỉnh một vài tiêu chí cụ thể, mà là sự thay đổi căn bản trong tư duy, phương pháp và công cụ đánh giá. Đây là sự chuyển dịch theo hướng đánh giá thực chất từ kiểm đếm số lượng đơn vị được hợp nhất, giảm đầu mối, cắt giảm biên chế sang đo lường năng lực thực thi công vụ, hiệu quả phối hợp liên thông và giá trị công việc tạo ra cho xã hội sau tái cấu trúc.
Hiện tại, việc đánh giá cải cách tổ chức bộ máy ở Hà Nội được thực hiện chủ yếu qua ba nhóm công cụ: PAR Index, SIPAS và các báo cáo tự đánh giá của cơ quan, đơn vị. Đây đều là các công cụ đã được chuẩn hóa, triển khai ổn định, đóng vai trò quan trọng trong giám sát cải cách thời gian qua.
Hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số PAR Index, SIPAS, PCI, PGI của thành phố Hà Nội và giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2024. Ảnh: Sở Nội vụ Hà Nội
Tuy nhiên, các công cụ này được xây dựng trên nền tảng cấu trúc hành chính ba cấp truyền thống, chưa theo kịp những thay đổi sâu rộng của mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Một số tiêu chí đánh giá trong PAR Index như sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, về sử dụng biên chế, phân cấp, ủy quyền, quy trình nội bộ giải quyết công việc ngoài TTHC chưa phản ánh hết hiệu quả hoạt động của bộ máy. SIPAS dù phản ánh cảm nhận của người dân nhưng chưa có các câu hỏi chuyên sâu để đánh giá việc mở rộng thẩm quyền hành chính ở cấp xã.
Nhìn nhận một cách tổng thể, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc loại bỏ hay thay thế hoàn toàn các công cụ hiện hành. Thực tiễn cho thấy, các bộ công cụ như PAR Index và SIPAS vẫn còn phù hợp và hữu ích nếu được điều chỉnh nội dung tiêu chí bên trong cho phù hợp với mô hình tổ chức mới. Việc thay đổi chỉ cần tập trung vào nhóm tiêu chí, thay vì tạo ra một bộ công cụ hoàn toàn mới sẽ gây đứt gãy trong chuỗi theo dõi cải cách và tốn kém nguồn lực không cần thiết. Vì vậy, nghiên cứu bổ sung một số tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hai cấp có thể theo hướng gợi mở như sau:
1. Xây dựng nội dung đánh giá bộ máy qua Chỉ số PAR Index, cụ thể như: tiêu chí đánh giá kiện toàn chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị sau khi chính quyền cơ sở chính thức đi vào hoạt động, gồm các nội dung đánh giá: ban hành và tổ chức thực hiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, đánh giá việc quản lý, sử dụng biên chế, thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết công việc hành chính, việc xây dựng và ban hành quy trình, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị kịp thời và triển khai chưa hiệu quả, đánh giá qua văn hóa công sở, môi trường làm việc sau sắp xếp tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc, đánh giá qua chế độ đãi ngộ đối với người đang công tác và những người tinh giản sau sắp xếp...
2. SIPAS có thể cập nhật thêm các câu hỏi như: người dân có hài lòng khi giải quyết công việc, thủ tục hành chính tại chính quyền địa phương mới, các nội dung về cung cấp dịch vụ công được rút ngắn thời gian, thời gian đi lại để giải quyết công việc...
Thực hiện Khảo sát, đo lường chỉ số hài lòng (SIPAS) kết hợp trực tuyến và trực tiếp để nắm bắt nhu cầu mong muốn của người dân và doanh nghiệp từ đó có giải pháp phục vụ tốt hơn
3. Báo cáo tự đánh giá nội bộ cần chuyển từ báo cáo mô tả sang báo cáo phân tích, có số liệu định lượng cụ thể như: tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, thời gian trung bình xử lý vụ việc, tỷ lệ công chức đáp ứng chuẩn năng lực mới sau sáp nhập, và chỉ số phối hợp liên ngành sau khi tổ chức lại bộ máy.
Cách tiếp cận mới trong đánh giá hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy không phải là đổi công cụ mà là đổi tư duy và cách xây dựng tiêu chí. Tư duy cũ đánh giá bằng số lượng đầu mối giảm, bằng mô hình tổ chức gọn hơn cần được thay bằng tư duy đo lường chất lượng phục vụ, khả năng thích ứng, và hiệu quả vận hành thực tế. Từ "hành chính hóa" cần chuyển thành "đo lường thực chất", từ kiểm tra quy trình cần chuyển sang đo lường kết quả đầu ra phục vụ người dân.
Việc điều chỉnh tiêu chí sẽ giúp duy trì được tính kế thừa của các công cụ, đồng thời nâng cao tính thích ứng với điều kiện quản trị đô thị đặc thù của Hà Nội. Đây là cách tiếp cận phù hợp, tiết kiệm, có thể triển khai ngay, giúp theo dõi được tiến độ cải cách mà không làm gián đoạn quá trình đánh giá đang vận hành ổn định.
Tóm lại, trong giai đoạn Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, công tác đánh giá cải cách tổ chức bộ máy cần được nâng tầm với tư duy tiếp cận mới. Thay vì thay đổi toàn bộ công cụ, cần tập trung vào việc cải tiến hệ tiêu chí đánh giá sao cho phản ánh đúng thực chất cải cách, đo được hiệu quả phục vụ, năng lực vận hành, và sự hài lòng thực tế của người dân.