Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà nhấn mạnh: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số chính là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng và được thụ hưởng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì Chuyển đổi số sẽ thành công.
Để tận dụng những lợi thế, tiềm năng vốn có của Quận, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bước vào "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", quận Bắc Từ Liêm rất cần sự hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, Thành phố; các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực này… Vì vậy, lãnh đạo quận mong muốn thông qua hội thảo sẽ nhận được các ý kiến góp ý, đề xuất các chỉ tiêu, các mô hình, giải pháp chuyển đổi số, xây dựng quận thông minh giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045 để tận dụng những lợi thế, tiềm năng vốn có của quận, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bước vào "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà phát biểu đề dẫn Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận tập trung vào một số nội dung: Cần phải nhận thức về chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh như thế nào? Làm rõ chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; Làm rõ thêm các vấn đề về lý luận và thực tiễn các mô hình, các yếu tố ảnh hưởng; những lợi thế và những khó khăn, thách thức như thế nào trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh ở nước ta, Thủ đô Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số, xây dựng Quận thông minh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Tập trung trên 3 nền tảng: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số…
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế học, Viện hàn lâm khoa học xã hội khẳng định: Chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý; giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, nâng cao năng suất đồng thời tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện cho người dân giám sát… Từ những lợi ích đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng quận Bắc Từ Liêm cần quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; phát triển các dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chính phủ điện tử; đào tạo nguồn nhân lực; tham gia các chương trình hợp tác; truyền thông và nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân…
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế học, Viện hàn lâm khoa học xã hội tham luận tại Hội thảo
Đóng góp vào công tác chuyển đổi số để xây dựng thành quận thông minh PGS.TS Đoàn Kim Đồng, Viện trưởng viện Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng quận Bắc Từ Liêm cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên nghành về xã hội (dân số, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thư viện truyền thống…). Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng bảo tàng ảo, đặc biệt đối với di sản văn hóa đình, đền, chùa, phủ… nhằm phát huy lợi thế là quận có nhiều di tích lịch sử đã được nhà nước công nhận trong việc số hóa phục vụ du lịch và phát triển văn hóa.
Khẳng định là quận có thế mạnh trong chuyển đổi số bởi có khu công nghệ cao sinh học và nhiều trường Đại học đứng chân trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính mong muốn quận xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp an ninh mạng, phát triển nền tảng công nghệ cho dịch vụ công. Tập đoàn công nghệ CMC sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn trong công tác chuyển đổi số, trong đó, lấy AI làm trọng tâm, đưa Bắc Từ Liêm là quận AI đầu tiên của Thành phố.
Thượng tá, PGS.TS Trần Thị Hoa, Phó trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân khẳng định nhắc đến chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử không thể không nhắc đến việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Trong thời gian qua, với nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06, công an các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã có rất nhiều nỗ lực để tiếp tục phát huy vai trò của mình. Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa công tác "chuyển đổi số - xây dựng quận Bắc Từ Liêm thông minh phát triển xứng tầm", Thượng tá, PGS.TS Trần Thị Hoa cho rằng lực lượng công an các phường trên địa bàn cần tiếp tục phát huy trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án 06, chủ động nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND và các ban ngành đoàn thể trên địa bàn các phường thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 06. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị có liên quan vận động các nhóm đối tượng thực hiện tốt các nghĩa vụ có liên quan đến Đề án…
Thượng tá, PGS.TS Trần Thị Hoa, Phó trưởng Khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân tham luận tại hội thảo
Dưới góc độ của người làm chuyên môn, chia sẻ về thực tiễn trong quá trình quản lý dân cư tại địa bàn, Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Công an quận cho rằng cần gắn chuyển đổi số với tuyên truyền để người dân tránh được việc bị kẻ xấu lợi dụng công nghệ để lừa đảo qua mạng. Muốn làm được điều đó, công tác chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trước tiên, tuyên truyền để người dân thấy chuyển đổi số là thực sự cần thiết. Cùng với đó, quận tiếp tục lắp camera an ninh và thành lập trung tâm thông tin để quản lý hiệu quả hơn nữa việc phòng, chống tội phạm…
Xác định chuyển đổi số là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của đổi mới sáng tạo; là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Vì vậy, "lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm sẽ lấy người dân làm trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số bởi chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng và được thụ hưởng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì chuyển đổi số sẽ thành công", Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà khẳng định. Cùng với đó, các giải pháp để xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính thông minh; định hướng về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; về kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế của quận; các giải pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin truyền thông… để hình thành xã hội số mà các ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo sẽ được quận nghiên cứu, tiếp thu và tập trung thực hiện trong thời gian tới.